Header Ads

Header ADS

Tìm đề tài từ một mẩu tin

Dân làm truyền hình thường năm nào cũng phải có ít nhất một đề tài “lận lưng” để tham gia liên hoan truyền hình toàn quốc. Chẳng phải ham hố gì giải thưởng, nhưng làm truyền hình địa phương, việc tham gia liên hoan truyền hình gần như là một nhiệm vụ.


Năm đó là lần đầu tiên tôi được Sư Phụ gợi ý cho như thế khi hỏi tôi có đề tài nào hay không? Tôi cười, đề tài hay thì nhiều, nhưng hay để làm gì ạ? Và tôi được trả lời như vậy.

Liên hoan truyền hình với tôi là một cái gì đó xa lạ vô cùng bởi khi đó tôi mới làm nghề được ngót 2 năm. Làm nghề theo kiểu “cần tay chỉ việc” thì làm sao biết được có vụ “liên hoan” khi mà năm đó cũng là năm đầu tiên Đài tôi mới hội tụ ở ĐX (trước đó chia 5 xẻ 7, cơ quan đầu não ở BD, phóng viên chia nhóm đi thường trú các huyện, tại trung tâm của tỉnh có được 1 phòng cấp 4 treo cái bảng ghi tên Đài. Trong phòng có 2 ngăn, 1 ngăn làm việc và tiếp khách, 1 ngăn để cho anh em ngủ lại). Vì thế giải thưởng càng xa xỉ hơn. Nhưng với tôi, khi SP đã nói thế có nghĩa là ông ấy tin tôi. Được SP tin thì không thể không làm. Và thế là cùng với những cây đa cây đề đang ráo riết chuẩn bị đề tài cho liên hoan, tôi cũng tìm đọc báo để xem có cái gì hay hay không?

Một bản tin nhỏ xíu trên báo Tuổi Trẻ, tin không có hình, nói về buổi sơ kết chương trình nữ hộ sinh thôn bản do bệnh viện Từ Dũ phối hợp với các tỉnh Tây nguyên và BP tổ chức. Cái này thú vị đây. Và tôi bắt đầu đi tìm. Nếu là nữ hộ sinh chắc thế nào Sở y tế cũng biết. Tôi qua sở y tế hỏi, sở y tế chỉ qua UB dân số. Tôi chạy qua UB dân số. Câu trả lời là không, họ làm việc thẳng với huyện. Có 2 huyện được hưởng dự án này. Đi LN thì xa quá mà chưa biết tăm hơi thế nào vậy là chọn BĐ. Lần đầu tiên tôi một mình cữoi con ngựa đỏ (citi) chạy 50 cây số theo đườn mòn HCM lên BĐ. Nhờ mấy bạn quen bên huyện đoàn qua nói giúp nên tôi được cán bộ của UBDS huyện tận tình giúp, cuối cùng tìm được danh sách các cô đỡ nhưng …không có địa chỉ cụ thể. Chưa hết, trong số những cô này thì bây giờ không biết cô nào còn làm cô nào không? Vì theo người cán bộ này thì các cô đi học về đã bỏ việc gần hết, một số bỏ ngay khi về nhà vì phong tục ở quê cùn nhiều cản trở, không ai để cho một cô gái chưa có chồng đỡ đẻ nên các cô chán không đi làm nữa, một số khác làm được thời gian thì lấy chồng, chồng không cho làm, số còn đi đỡ đẻ…chắc đếm được trên đầu ngón tay thôi, nhưng lại không biết chính xác là cô nào. Thôi thì khoanh vùng. Xã nào có cô đỡ thì đi. Bom Bo có. Vậy là tôi vội chào người cán bộ dân số, vội đi cho kịp vào BomBo trước khi trời mưa. Đường vào Bombo năm ấy muốn đi xe trong mùa mưa thì phải quấn xích, và lúc nào cũng phải cầm theo cái cây …để cạy đất. Từ ngã 3 Minh Hưng vào đến trung tâm xã BomBo chỉ 12 cây số nhưng tôi đi mất ngót nửa ngày. Dọc đường chỉ có mì gói khô nhai với nước khoáng nhưng chẳng biết ma lực nào cứ thúc giục tôi đi. Xe tôi không quấn xích thế nên 12 cây số ấy tôi chụp ếch chắc cũng 10 lần vì đường trơn và nhiều rãnh, may là không bị xe nào cán qua. Bởi mỗi khi nín thở, chạy xe ở số 1 qua được 1 con dốc là hồn vía lại lên mây. Không có đường rút lui bởi phía trước, phía sau đều là những đầm lầy trơn trượt. Hai bên toàn rừng là rừng. Thỉnh thoảng có vài người thiểu số chạy qua với vẻ mặt tò mò. Lúc ấy có muốn khóc thì cũng chả biết khóc làm sao.

Vào đến trung tâm xã. May quá, “Có đấy, ở ấp 5 còn 1 cô, ấp 3 còn 1 cô. ấp 5 thì đi vào trong này (hướng vào Đak Nhau) còn ấp 3 thì đi ngược ra.” Thôi lỡ vào đây rồi thì vào ấp 5 xem sao? Nghĩ thế nên tôi hỏi đường vào ấp 5, tìm gặp Thị Chanh. Thị Chanh là người S’tiêng cũng đi học lớp nữ hộ sinh thôn bản về và bây giờ đang phụ trách đỡ đẻ cho bà con ở ấp 5.

-         Thị Chanh không có nhà, nó đi rẫy rồi.
-         Bao giờ thì cô ấy về ạ?
-         Không biết, khi nào làm xong rẫy thì về.
-         Vậy cô ấy còn đi đỡ đẻ không ạ?
-         Còn chớ, nhưng mà ai đẻ thì vào rẫy kêu nó về.
-         Từ đây vào rẫy xa không ạ?
-         Chừng…5 con dao quăng.
-         Dạ …là đi mất bao lâu ạ?
-         Chừng nửa ngày thôi.

 Lúc ấy là 4 giờ chiều, nếu về ngay không biết có ra được tới Minh Hưng trước khi trời sụp tối không nữa, làm sao đi tìm Thị Chanh? Vậy là đành hẹn lại vì hôm nay chỉ định đi tìm xem có ai không nên chẳng đem theo quần áo gì, mà ngừoi thì lấm lem bùn đất làm sao ở lại được!.

Hẹn xong, tôi lên xe và không hiểu vì sao mình lại phóng xe với tốc độ kinh hoàng như thế. Bất cứ đoạn nào dù ngắn, miễn có thể kéo ga được là tôi kéo. Bây giờ tôi mới thấy lạnh gáy khi phía trước là núi đồi, sau lưng màn đêm đang dần trùm phủ. Không biết tôi đã ngã bao nhiêu lần do đường trơn và bùn sình chỉ biết khi về đến cơ quan thì cái xe yêu quí của tôi đã bị bể tấm trắng phía trước, vỡ đèn, và cái chỗ để chân ở cần số bị ngiêng qua một bên. Hú hồn. Đến ĐX là 9h đêm. Má ơi, lần đầu tiên tôi chạy xe mà không biết chân mình có chạm đất không? Tôi không biết đau là gì dù ngày hôm sau chỗ nào bầm tím được là nó bầm hết. Kết quả của ngày đầu tiên đi tiền trạm là biết có được cô Thị Chanh còn đang đỡ đẻ. Tôi lại lên kế hoạch để cuối tuần đi vào BomBo tiếp.

Lần thứ 2 đi vì biết rồi nên có dễ hơn. Nhưng lần này thì cô Chanh không đi rẫy mà là đi Sài Gòn có việc. Khổ thế đấy. Cái thời không có điện thoaị, không có internet nên đành phải cuốc bộ đi tìm và chuyện “lỡ chuyến đò” là chuyện chẳng có gì xa lạ. Tôi quay ra xã. Có cô Chiêm đấy, nhưng không biết bây giờ Chiêm ở ấp nào vì 1 mình Chiêm quản lý sản phụ của 3 ấp. Thôi cứ ra nhà cô ấy xem sao. Tôi chạy ngược ra ấp 3 là nơi gần với sóc BomBo trong bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng. Ngôi nhà nằm ngay dưới dốc, đối diện với mấy cái mộ. Hú hồn!

-         Chiêm đi khám thai rồi, chiều mới về.
-         Chiêm đi khám ở đâu ạ?
-         Ở trong ấp 4 gần xã ấy.

(Thế có điên không chứ lị!). Vậy là tôi vội chào mẹ Chiêm rồi quày quả chạy vào ấp 4. Đường đi lúc ấy không có cầu xây như bây giờ, chỉ có những tấm ván gác qua suối, thành cầu là những thân cây gỗ to chặn ở hai bên. Khi xuống con dốc đó chỉ có mình tôi, chả phải tránh ai, và tôi đã đạp hết phanh rồi nhưng không hiểu vì sao tôi lại phi …lên thành cầu và chỉ dừng lại khi … Bánh trước của chiếc citi vắt hằn qua khỏi thân cây gỗ. Tôi nằm vật ra đường, tay chảy máu, chân bị kẹt cứng trong kẽ cây. Có lẽ vì thế mà tôi đã không bay luôn xuống suối, chứ nếu lúc đó thêm 1 tí ga chắc bây giờ tôi đã tung tăng với con trai của long vương rồi, không ngồi đây kể chuyện tư duy đề tài làm gì nữa.

Một người có vẻ như là đi rừng về đã đến kéo tôi ra. Trời trút mưa như xối. Tôi được đưa về lại nhà của Chiêm và ngồi chờ. Đến 4 giờ chiều thì 1 cô bé xuất hiện. Tôi nghĩ thôi chắc tiêu rồi. Cô bé chẳng có vẻ gì là một nữ hộ sinh cả. Thế nhưng khi ngồi tiếp xúc với em thì tôi hiểu đây là một cô bé sinh ra là để làm nghề đỡ đẻ! Vậy là tôi theo Chiêm đi thăm thai, chích ngừa, đi bắt cá…sau lần gặp đó, Chiêm bắt đầu mối nhân duyên với báo chí.

Hồi đó đi tìm nhân vật để làm phim dự liên hoan nhưng thấy nhân vật này hay quá nên tôi đã cao hứng …viết luôn cho Tuổi Trẻ khi ngồi ở 1 quán cà phê vỉa hè ở đường 3/2 chờ em gái đi học ra. Bài viết được gửi đến báo hôm trước thì hôm sau tôi nhận được cuộc gọi của anh Đỗ Đình Tấn cho hay là bài được chọn đi báo xuân, nhưng phải chụp hình lại vì cái hình của tôi đưa không đạt. Hồi đó tôi làm gì có máy chụp hình. Chỉ xin em một tấm hình để đăng báo, em cũng thật là, có mỗi 1 tấm chụp hồi được bệnh viện Từ Dũ cho đi chơi Vũng Tàu, em đưa cho tôi luôn. Nhưng với ảnh báo chí, hình đó không dùng được. Và anh Tấn đã cử Tố Oanh lên giúp tôi chụp hình, nói một cách nào đó, “cuộc tình” giữa tôi và Tố Oanh là do anh Tấn se.

Chiêm không chỉ xuất hiện trên rất nhiều ấn phẩm của Tuổi Trẻ lúc ấy, mà còn xuất hiện trên truyền hình BP, truyền hình VN (vì tác phẩm của tôi dự liên hoan truyền hình đoạt giải), không chỉ xuất hiện 1 lần mà rất nhiều lần. Sau này Chiêm còn là nhân vật cho chương trình Những ước mơ xanh, Người đương thời của VTV, thậm chí chương trình NUMX mời Chiêm trong nhiều số khác nhau. Nếu nói là nhân vật này được nuôi dưỡng để làm đề tài cho báo chí quả cũng không ngoa. Lần đầu tiên Chiêm xuất hiện trên Tuổi Trẻ là bài của tôi và Tố Oanh trên báo xuân, sau đó là trên phim của tôi, trên VTV, rồi trong bài của Tố Oanh theo sự kiện trên báo ngày, rồi sau nữa là bài của tôi trên Tuổi Trẻ chủ nhật (lúc đó chưa có TT cuối tuần), làm nhân vật trong NUMX…Từ khi Chiêm là cô gái 15 tuổi, đi đỡ đẻ đến khi Chiêm đi học bổ túc hết 12, đi học trung cấp nữ hộ sinh, ra trường, tìm việc…

Cũng từ đó Chiêm trở thành người bạn nhỏ của cả tôi và Tố Oanh. Khi Oanh vượt cạn hai lần đều phải có Chiêm ở bên cạnh mới an tâm. Gắn bó với Chiêm còn có anh ĐD của VTV. Chúng tôi thân với nhau như anh chị em một nhà. Nhưng đó là chuyện tình cảm nảy sinh trong quá trình tác nghiệp.

Khi tôi ngồi viết những dòng này vì tôi nghĩ nó sẽ thú vị cho một ai đó khi bước vào nghề báo. Đề tài không phải là thứ có sẵn mà cơ quan sẽ phân cho bạn. Đề tài cũng không phải là thứ đã ra ngô ra khoai rồi bạn chỉ việc nghe thấy là sách máy đi quay. Làm truyền hình, nhất là những đề tài có vấn đề, việc đi tiền trạm là rất bình thường, có nhiều khi mất cả tháng trời lần tìm manh mối tưởng đã bắt đầu bấm máy được rồi thì bỗng nhiên bị “bể sô” cũng không có gì là lạ. Một câu nói, hay một dòng địa chỉ nó chỉ có ý nghĩa thông báo cho bạn biết đang có sự việc như thế diễn ra trong xã hội bạn đang sống. Muốn tìm hiểu nó bạn phải tìm từ nhiều nguồn, nhiều góc độ, phải lần mò từng manh mối và làm truyền hình thì khi tiền trạm phải tính toán đến bối cảnh, hiện trường và nhiều yếu tố khác nữa. Nếu nghĩ rằng làm nghề phải đợi phân công có lẽ bạn chỉ làm được tin hội nghị. Dân truyền hình hay gọi tin hội nghị là tin sa lon. Hồi xưa khi tôi ở cơ quan cũ, SP cũng là sếp của chúng tôi rất hay la những phóng viên làm tin sa lon mà không chịu ra ngoài quay thêm ngoại cảnh. Thậm chí, có thời gian nếu tin sa lon không có quay ngoại cảnh thì SP duyệt tin đã bỏ tin đó ra luôn không cho phát.

Nếu bạn yêu nghề, chắc chắn bạn sẽ tìm được đề tài ở ngay xung quanh cuộc sống của bạn.

Thật đấy!


08/01/2011 07:18 pm

Minh Thùy
Được tạo bởi Blogger.