Header Ads

Header ADS

Dấu! Màu Cam

DẤU ! MÀU CAM




Hồi còn học cấp 1 tôi đã được nghe và xem bài hát “Vì sao em chết?” rất nhiều lần trên video. Thời đó ở quê tôi cứ đến tối thứ bảy, chủ nhật là bệnh viện gần nhà lại bê cái tivi to ra sân chiếu phim, ca nhạc, cải lương và …bán vé cho dân chúng đến xem. Bài hát “Vì sao em chết?” của nhạc sĩ Trần Tiến hình như nằm chung trong một cuốn băng nào đó mà thỉnh thoảng lại được đem ra chiếu. Hồi đó và cho đến giờ tôi vẫn thích tất cả những bài hát do Trần Tiến sáng tác. Thế nhưng, tôi lại chẳng hiểu gì về cái ý nghĩa sâu xa ẩn trong những tiếng kêu tuyệt vọng của cô ca sĩ.

Và rồi một năm, tôi được anh bạn đồng nghiệp rủ đi làm phim dự thi liên hoan truyền hình toàn quốc với đề tài da cam. Nhận lời làm phần nội dung nên tôi đã bỏ ra gần 1 tháng để rong ruổi khắp nơi tìm những câu chuyện da cam cho phim của mình.

Tôi gặp 1 người phụ nữ xinh đẹp, khỏe mạnh ngày ngày bơi xuồng qua con đập thủy điện để làm thuê nuôi ông chồng có bộ da sần xùi hơn da cóc và 5 đứa con, mỗi đứa 1 bệnh. Cậu con trai lớn bị thiểu năng, suốt ngày lang thang ngoài đường không biết nghe lời ai. Cô con gái thứ hai không biết vì sao mà cánh tay cứ ngày một to ra như …cánh quạt. Miếng thịt bám vào thân tay và thọng xuống, càng cắt nó càng nhanh to hơn. Đứa con trai thứ ba bị một thứ bệnh rất khó gần bởi toàn thân cậu toát ra mùi tanh của máu. Máu ứa ra từ những mụt ghẻ mọc đầy người. Cô con gái thứ tư bị bệnh tim bẩm sinh. Toàn thâm tím tái suốt hai mùa mưa nắng. Còn cô con út tưởng là may mắn hơn anh chị của mình nhưng nó lại không thể nói.


Ngôi nhà ấy ọp ẹp như không thể ọp ẹp hơn. 7 người, kể cả bà mẹ chồng khó tính thường xuyên trì chiết con dâu thì chỉ có mình chị là lao động chính. Chị bảo với tôi là cái số nó thế. Tôi hỏi khi sinh con ra thấy con bệnh rồi mà sao chị vẫn sinh nhiều thế? Chị bảo chị không thể cãi chồng. Và ở chốn heo hút đó, nhiện vụ của người vợ là phải đáp ứng mọi yêu cầu của chồng, kể cả khi biết chắc rằng địa ngục chờ phía trước.

Ở xã nọ khi chúng tôi đến có một cậu thanh niên mặc đồ bộ đội cứ đứng giữa đường thổi còi để điều tiết giao thông mặc dù ở đó lâu thiệt lâu mới thấy một bóng xe qua. Đi vào trong xã thì càng đi càng chùn bước. Một cô gái tuổi đôi mươi đến kỳ có tháng nhưng vẫn nằm ngửa trên sập ván chờ mẹ lau miệng, đút cơm và thay quần áo. Ở một nhà khác có cô gái tuổi 16 đẹp như trăng rằm nhưng một bên mặt của cô mới đây không hiểu vì sao lớp da từ trên trán cứ phình ra, thõng xuống như …cái vòi của con voi. Đau đớn hơn khi tôi đến một nhà kia. Cô con gái vừa tròn 18 tuổi, trắng trẻo, xinh như mộng. Cô gái vừa thi xong tốt nghiệp trung học phổ thông, chuẩn bị đi thi đại học thì …bị sốt. Cơn sốt lạ kỳ đã biến một cô gái thông minh lanh lợi thành một người …sống đời thực vật…

Tất cả những người đó có chung một câu chuyện : nhiễm chất da cam- dioxin!

Nếu như cô bé 18 tuổi vừa tốt nghiệp phổ thông bị ảnh hưởng bởi người cha là bộ đội bị nhiễm dioxin thì cô gái phải mang cái vòi voi lại là người có cha mẹ chẳng liên quan gì đến chiến tranh.

Và tôi được nghe nhiều câu chuyện hồn nhiên đến đau lòng. Năm đó, những người dân di cư theo chính sách của Nhà nước vào vùng đất mới khai hoang lập nghiệp. Trong khi khai phá rừng hoang, đốt củi họ đã bị chất cay bao phủ. Chất cay đến mức nhiều người chịu không nổi phải chạy xuống suối đầm mình trong nước. Rồi họ nghĩ ra một sáng kiến là đem theo khăn mặt đi làm để mỗi khi có khói cay thì dấp nước đắp khăn lên mặt cho đỡ. Điều đáng sợ hơn là nhiều ngừoi đã phát hiện ra những thùng bột nằm rải rác trong rừng, dưới suối, dưới bưng đã tìm cách …cạy thùng đem về đựng nước dùng. Tôi biết một cậu học trò sinh ra đã không có đôi tay. Mọi việc được giao lại cho đôi chân nhỏ xíu. Thế nhưng, dân gian nói, “ông trời không cho không ai cái gì và cũng không lấy mất của ai tất cả”, có lẽ điều đó đúng khi cậu bé yếu ớt hơn chúng bạn đã học rất giỏi. Tìm đến nhà thì tôi được biết, mẹ của bé khi mang thai đã hít phải hơi cay trong lúc đi làm rẫy. Bà mẹ ngạt đi rồi bò được xuống suối uống nước. Và rồi vài tháng sau cậu bé ra đời với thể trạng khiến nhiều người hốt hoảng như vậy.

Ở nông thôn, khi sinh ra quái thai dân làng sẽ cho rằng do gia đình đó ăn ở thất đức nên bị quả báo. Nhưng rồi có những vùng mà chẳng ai có thể dèm pha kinh ghét ai bởi nhà nào cũng có ít nhất một người dị tật. Có những vùng không thiếu ngừoi cha người mẹ đã già vẫn ngày ngày phục vụ con cái mà không biết khi mình về với ông bà thì con mình sẽ sống ra sao?

Có những người đã từng tham gia chiến tranh bị nhiễm đã đành, có khá nhiều người khác chẳng biết chiến tranh là gì nhưng vẫn phải gánh chịu sự tàn phá của chất khai quan. Đau đớn hơn, không phải chỉ những người bị chất quái ác ấy ngấm trực tiếp mới bị đau mà nhiều thế hệ con cháu họ cũng vẫn có biểu hiện của sự tàn phá ghê người đó. Và phải đến chục năm sau người ta mới nghe đến khái niệm chất da cam. Sẽ không dám nghĩ tiếp nếu mình lỡ sống ở vùng được biết là có chất da cam như thế. Nhưng trốn vào đâu khi mà nhiều thế hệ trong gia đình đã sống ở đó trong suốt nhiều năm?

Một tháng trải nghiệm cái liên quan đến chất da cam tôi tự hỏi rằng người ta sẽ đền bù như thế nào đây khi mà loaị chất độc đó đã ngấm vào máu, phá hủy cấu trúc gen và …chẳng biết khi nào thì nó bộc phát? Bộc phát ở bao nhiêu đời? Còn gì đau đớn hơn khi được sinh ra làm người nhưng không được sống kiếp con người? Còn gì bi đát hơn khi mang hình hài người nhưng không hề có một tí ti cảm nhận về cuộc sống? không thể nói là không thể chấp nhận được vì sự việc đã xảy ra rồi. Nhưng phải làm sao đây để những sinh linh vô tội kia sẽ bớt đi những nỗi đau?

Lần đầu tiên khi ngồi trong trường quay thu hình ca sĩ hát tôi bật khóc. Cô ca sĩ ấy hát bài “vì sao em chết?” có lẽ chưa xuất sắc lắm, nhưng tôi không quan tâm đến điều đó. Mỗi nốt nhạc được tấu lên, mỗi ca từ cô ấy nhả ra là một hình ảnh người nhiễm chất độc da cam cào cấu, chới với giữa đời khiến tôi không thể cầm lòng.

“Những nốt nhạc màu cam” của chúng tôi có giải. Đó là lần đầu tiên tôi vô cảm khi nhận giải. Chẳng thể mừng vui khi mà phim đã cho thấy một sự thật đau lòng và bế tắc.  


08/10/2011 02:42 pm

Minh Thùy
Được tạo bởi Blogger.