Cạnh tranh
Gần 1 năm sau, khi giao cho tớ làm chủ nhiệm 2 chương trình một lúc, sếp mới bảo tớ đi học quay. Sau khi đi học quay về, tớ mới biết nguyên nhân của vụ “SP nói không cho MT đụng vào máy” là do …anh tổ trưởng nói “Con T mà biết quay là nó nuốt chửng tụi bay hết.” Chẳng biết anh nói thật hay nói đùa, nhưng tác hại của nó là có thật. Suốt một thời gian dài tớ sống trong ấm ức mà không dám kêu ca, chỉ biết cố gắng từng chút, từng chút để một ngày kia được sếp cho “sờ” vào cái máy.
Đài địa phương có nhiệm vụ cộng tác với Đài trung ương khi có những thông tin được nhiều người quan tâm. Ở cơ quan tớ, việc cộng tác với VTV được giao hẳn cho anh chàng biên tập viên của phòng thời sự. Khi tin bài phóng viên đi làm về thì biên tập viên có nhiệm vụ xử lý cho đài mình nhưng nếu có tin bài nào có thể gửi đài TW thì sẽ chọn ra, biên tập xúc tích hơn rồi cho dựng gửi đài TW. Hồi đó chưa có internet, cáp quang thì quá đắt nên mỗi khi có tin bài gì gửi cho đài TW là đều được sếp ưu tiên cho dựng trước rồi cho xe ô tô chạy xuống trung tâm truyền hình VN tại TPHCM để giao tin. Người biên tập viên của phòng thời sự lúc ấy không chỉ được quyền chọn tin, bài gửi đi mà anh ta còn …bỏ tên tác giả ra và điền tên anh ta vào. Vì thấy hành động đó chẳng đẹp tí ti nào nên tớ hay ý kiến. Để trấn áp tớ, thỉnh thoảng anh ta lại ca bài ca con cá rằng tớ chỉ biết nấu nướng chứ biết viết gì? Không phải ai cũng có thể gửi cộng tác với đài TW được, phải giỏi thế nào thì đài TW mới dùng…nếu không qua bàn tay của anh ta thì còn lâu tin bài ấy mới được phát ở VTV. Chính điều này đã khiến tất cả những phóng viên có tin bài được chọn và cả sếp cũng không ngăn cản việc làm kỳ cục ấy.
Biết cãi nhau thì chẳng giải quyết được gì tớ chỉ lặng lẽ làm. Nếu như anh ta chẳng phải ra hiện trường, chỉ ở nhà chọn bài, tin hay của PV để đưa phòng dựng ‘tuốt” lại và cho xe gửi đi thì tớ …tự quay bằng máy DP200, băng SVHS, quay xong, đem về cơ quan đổ vào máy cơ quan xong là vội vàng gửi băng thô theo xe mà mình quen xuống Đài TW. Có khi liên hệ trước mà các xe đều đi rất sớm thì tớ …quay bằng 2 cuốn băng. 1 cuốn quay cho đài địa phương mình, một cuốn quay để gửi đi cho VTV phát. Mỗi lần như thế phải thật nhanh và kỹ nếu không rất dễ bị hở xung.
Và…tớ chẳng cần dựng trước để chọn những khung hình thật hoàn hảo, cũng chẳng có băng tốt như betacam để in tin, cũng chẳng có xe chỉ để phục vụ việc đem băng xuống TP cho VTV phát. Tớ chỉ có cái băng thô vừa quay xong, kẹp tin đã viết và gửi theo xe của mấy anh chị lãnh đạo có việc đi TP. Chỉ vậy thôi mà tớ cũng có khá nhiều tin, bài phát sóng trong bản tin 19 giờ trên sóng quốc gia.
Khi tớ được bổ nhiệm làm quản lý, phòng chuyên mục có 2 phó phòng không có trưởng. Người đồng cấp với tớ là một người khá lớn tuổi và tớ rất ngưỡng mộ người đó vì tài năng của ông. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao có một quãng thời gian người đó gây khó khăn cho tớ bằng mọi cách. Ban đầu chỉ là những chuyện lặt vặt, càng về sau lại càng có nhiều chuyện động trời hơn. Tuy làm quản lý phòng nhưng mỗi người đều phải chịu trách nhiệm thực hiện trực tiếp 1 chuyên mục. Đài BP tuy là đài nghèo, sinh sau đẻ muộn nhưng làm việc rất bài bản. Phòng có 2 quản lý thì chia nhau ra mỗi người trực 1 tuần, tuần không trực thì đi làm chương trình do mình phụ trách. Và tuần nào ai trực thì người đó có trách nhiệm duyệt tất cả các chương trình phát trong tuần, kể cả chương trình do người kia làm. Hai quản lý tôn trọng nhau bằng cách không can thiệp sâu vào nội dung của nhau nhưng vẫn phải ký duyệt bình thường.
Tớ làm chương trình “Sức trẻ hôm nay”. Chương trình này phát sóng tối thứ sáu thì mọi khâu kịch bản phải làm xong từ thứ tư cho sáng thứ 5 dựng để chiều thứ 5 là phải có thành phẩm đem lên núi phát.
Vậy mà có một lần, người đáng tuổi cha chú của tớ đã làm một việc mà tớ không cách gì lý giải được. Trong tuần ông trực, ông nhất định không ký duyệt chương trình “STHN” nếu như tớ không cắt bỏ một số tin trong chương trình. Làm sao có thể cắt bỏ khi khung thời lượng đã có sẵn, đề cương được hình thành từ đầu, kết cấu chuyên mục có logric của nó? Đứa con mình chau chuốt đẻ ra không lý do gì mà tự nhiên lại chặt tay, chặt chân đi như vậy. Thuyết phục hoài không được tớ cũng nhất quyết không bỏ bớt tin ra. Chương trình hôm đó còn có một ý nghĩa quan trọng nữa là chương trình đặc biệt nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội LHTNVN. Người đã cùng tớ trăn trở lên đề cương chương trình đó vừa bị tai nạn giao thông. Quan tài của anh vẫn còn quàn ở tỉnh đoàn vì anh nghèo chưa có nhà ở, và đang ở tập thể. Tớ coi như chương trình đó hoàn chỉnh là nén nhang thắp cho anh. Vậy mà chẳng biết vì lý do gì, người đồng cấp của tớ nhất định không chịu ký duyệt nếu tớ không bỏ đi vài cái tin. Tớ vì bảo vệ đứa con tinh thần của mình cũng nhất quyết không chịu bỏ. Ban giám đốc thì không can thiệp vì đã giao quyền cho hai người rồi, nên để hai người tự giải quyết. Dù tớ có nói hết nước hết cái, và dù chương trình có đảm bảo thời lượng thì ông kia vẫn không chịu cho đi.
Cuối cùng thì ông đấu tranh bằng cách bảo …bận và nhờ phó giám đốc phụ trách nội dung ký duyệt giùm. 5 giờ chiều ngày thứ 5 chương trình mới được ký. Tớ bật khóc khi cần trên tay văn bản đã được sếp ký duyệt. Nước mắt chẳng biết ở đâu lã chã rơi suốt buổi tối ngồi dựng chương trình. Tối đó, anh em phòng dựng đã ngồi đến 11 giờ đêm để dựng cho xong chương trình sáng hôm sau chuyển lên núi sớm.
Sau sự cố đó, tớ được biết một sự thật đáng buồn cười. Do tháng nào nhuận bút của tớ cũng cao nhất Đài, cao hơn cả GĐ cho nên …người đồng cấp đã thường xuyên xuống bộ phận tính nhuận bút yêu cầu mọi người hạ bớt nhuận bút của tớ xuống. Thế nhưng dù mỗi tin, mỗi bài tớ làm đều bị hạ hơn so với định mức thì mỗi tháng nhuận bút của tớ vẫn cao. Và cách cuối cùng là bắt tớ phải cắt bớt chương trình dù khung thời lượng đã được ấn định trước khán giả.
Ở phòng làm việc có trang bị một cái máy tính dùng chung cho lãnh đạo phòng biên tập và duyệt chương trình. Một ngày đẹp trời nọ bỗng nhiên tớ bị ghép cho cái tội xóa dữ liệu của người kia. Ban đầu tớ còn ngỡ ngàng không hiểu vì sao lại có chuyện mất dữ liệu. Cái máy chỉ có 2 ngừoi quản lý và cô thư ký dùng. Cô thư ký thì chắc chắn không dám làm chuyện động trời đó rồi, mà dữ liệu của người kia mất thì có lẽ chỉ có tớ. Tớ nghĩ hoài không biết tại sao? Tớ đi tìm chuyên viên công nghệ thông tin để hỏi xem có khi nào virus tấn công và nó tự mất hay không? Rồi lại đi hỏi cách khôi phục dữ liệu ra làm sao? Nhưng trong lúc tớ bã người với việc đi tìm dữ liệu của người bị mất thì có báo cáo lên Ban giám đốc rằng tớ đang là “nghi can” số 1.
Chuyện nực cười là trong báo cáo cho rằng tớ là nghi can thì việc mất dữ liệu xảy ra đúng vào ngày mà tớ đang …học Sân khấu điện ảnh ở TPHCM. Khi chuyện vỡ lở ra những người dựng chuyện tự biết xấu hổ với nhau. Tớ chẳng nói gì sau khi đã được cơ quan khẳng định là mình không liên can gì vụ mất dữ liệu ấy. Nhưng tớ thắc mắc không hiểu vì sao một người có thể …đẻ ra được mình lại có thể làm như vậy với mình? Sự ngưỡng mộ trong tớ dành cho người ấy tắt ngấm thay vào đó là sự kinh ghét, là những câu hỏi không thể nào giải thích được.
Tớ thì không giải thích được nhưng nhiều người khác lại giải thích cho tớ nghe thế này : Sở dĩ khi con người ta thay tính đổi nết đều có nguyên nhân của nó. Tớ là đảng viên trẻ, là bí thư Đoàn cơ sở, là thường vụ khối cơ quan, là cán bộ thuộc diện quy hoạch…và như vậy “nguy cơ” tớ lên trưởng phòng là điều sớm muộn. Biết được nguyên nhân ấy tớ bỗng thương cho người đồng cấp. Chẳng lẽ chỉ vì lo lắng như vậy mà người ta có thể bán đi lòng tự trọng để làm những điều đáng xấu hổ như thế ư? Tớ không còn cảm thấy ấm ức hay căm ghét người đã gây cho tớ bao nhiêu vất vả kể từ khi tớ vừa lên chức lại vừa được đi học ấy nữa.
Hồi ấy, cũng vì chỉ có cái bằng kỹ sư kỹ thuật nữ công nên vui thì không sao nhưng buồn thì tớ bị đem ra chế diễu rằng “nó chỉ là đứa nấu nướng”. Lần đầu tiên nghe thế tớ cũng khóc hết nước mắt. Bởi để được công nhận là phóng viên tớ đã một mình một máy trèo đèo, lội suối, băng rừng để làm tất cả những gì có thể. Mục đích của tớ là làm thế nào để thông tin mình đưa ra đều có ích cho mọi ngừoi. Tớ đã làm bằng cả niềm tin rằng nếu thanh niên ở hõm núi này biết tận dụng núi trọc để trồng mì thì thanh niên cả tỉnh cũng phải biết tận dụng đất hoang như thế để bớt nghèo. Vì thế, tớ một mình ôm máy lội suối băng rừng để quay cái tin như vậy. Anh em cán bộ Đoàn đi cùng muốn xách máy giùm tớ cho đỡ nặng nhưng tớ không đồng ý vì sợ họ không biết cách cầm máy lỡ …làm hư máy thì mất phương tiện tác nghiệp. Có lần lội qua suối tớ đã trượt chân nhưng không hiểu vì sao cả người nằm dài dưới suối còn cái thùng máy nặng gần 5kg vẫn đứng trên tay tớ đang giơ lên cao không chạm nước.
Hồi ấy, anh em phóng viên cũ ít cho tớ đi cùng lắm. Mà cũng phải thôi. Mỗi tuần Đài chỉ phát 3 bản tin thời sự. Mỗi bản tin 15 phút. Nhiều người làm quá thì đến bao giờ tin, bài của mình mới được phát? Một đứa xin đi làm nghề mà lại nói với ông trưởng phòng tổ chức rằng “Anh thấy em hợp với việc gì thì anh cứ giao” thì làm sao đủ độ tin tưởng cho mấy anh PV cũ gọi đi quay cùng. Chưa kể nhuận bút của viết lại gần gấp đôi quay.
Rất may lúc đó có phát thanh thì phát hàng ngày. Vậy là ngày ngày tớ đạp xe hết nơi này đến nơi nọ tìm số liệu, đi thực tế để viết bài. Ở Đài lúc ấy có một nguyên tắc bất di bất dịch rằng bài hay tin nào đã được dùng cho phát thanh thì chắc chắn nó sẽ được phát hình nếu có thể quay được hình. Vì vậy, những người từng tẩy chay tớ lại chọn bài của tớ đã phát để rủ đi quay cho truyền hình.
Khi tớ bị đàm tếu là “không biết viết, viết dở”, tớ lặng lẽ đi viết và …gửi cộng tác với những tờ báo có uy tín nhất cả nước. Những sự kiện nào cần sự quan tâm của cộng đồng thì tớ lại quay và gửi cho VTV phát. (Quả thật là cho đến bây giờ vẫn còn một số bản tin tớ chưa lấy nhuận bút.). Có lẽ trời không phụ ngừoi có công. Tên của tớ xuất hiện dày hơn trên các báo lớn, có uy tín. Các anh chị ở VTV đọc bài của tớ trên báo TT liền kết nối và đề nghị Đài cho tớ tham gia ê kíp làm những chương trình mới của Đài như “Người đương thời”, “Những ước mơ xanh” … có lần tớ còn được mời ra Hà Nội tham gia chương trình trực tiếp đặc biệt mùng 3 tết. Khi tham gia những ê kíp làm chuyên nghiệp ấy tớ học lóm được rất nhiều điều và khẳng định với cơ quan rằng tớ không phải là ‘đồ bỏ, chỉ biết nấu nướng.”.
Khi bị bầm dập ở đó, tớ đã bỏ ngoài tai tất cả chỉ cắm đầu vào làm việc. Tớ hiểu rằng mục đích cuộc sống của tớ là khán giả, là những sản phẩm được người đời để ý, là tên của mình được nhắc đến một cách trìu mến ở tận chốn rừng sâu hay núi cao, là những người sẵn sàng gọi tớ khi có điều cần chia sẻ, là những người sẵn sàng chở che tớ khi tớ lỡ đường…vậy thì những viên đá kia có nghĩa gì đâu? Nó còn là gia vị cho cuộc sống của tớ thú vị hơn ấy chứ.
Có một thực tế mà tớ đã trải qua là, khi những người khác vô tình hay cố ý rải đá trên đường đi của mình, thì cách hay nhất là mình đừng quan tâm xem ai làm điều đó mà hãy cứ đi làm việc của mình. Một người nào đó nếu thích trò chơi với đá thì mình có cất công làm theo cũng chẳng thể nào bằng họ. Tại sao phải đi lại con đường mà người khác đã đi khi đường đua chính không phải là “rải đá”? Có thể chân mình sẽ rướm máu, có thể mình sẽ vã mồ hôi, nhưng nếu mình cứ đi mà không để ý đến bàn chân, không để ý đến mồ hôi mà để ý đến một mục tiêu khác quan trọng hơn, đem đến cho mình niềm tin nhiều hơn thì mình sẽ nhận được điều mình muốn. Chẳng có hạt gạo nào tự nhiên trắng trong mà không trải qua quá trình chà sát.
Sao người ta không cạnh tranh một cách lành mạnh rằng nếu mình thua kém ngừoi khác thì mình phải cố gắng làm giỏi hơn đó mới là chiến thắng vang dội. Sao lại vì thua người khác mà tìm cách rải đinh, ném đá dấu tay, bán linh hồn và lòng tự trọng của mình chỉ vì mình kém cỏi hơn người khác trong một khoảng thời gian nào đó sao?
Cuộc sống cũng thật là lạ. Để chứng minh mình không dở thay vì cố gắng làm tốt hơn công việc của mình thì lại đi tìm cái dở hoặc tạo ra cái dở cho người khác? Trong tình yêu hai người nhìn nhau mãi cũng chán huống hồ gì chỉ là quan hệ đồng nghiệp. Sao không đặt mục tiêu cho đời mình là làm tốt công việc mà khi làm không tốt thì …soi mói người khác để chứng tỏ rằng vì người khác dở nên mình …không thể giỏi được! Haha. Hóa ra cái người dở kia có giá trị quan trọng đối với cuộc đời mình đến thế sao? Thật là tội nghiệp!
Minh Thùy