Header Ads

Header ADS

Hoa ốc Trường Sa tặng Áo ấm biên cương


Nhà báo Minh Thùy (Phòng Truyền hình, Báo Tuổi trẻ TP.HCM) là một trong những Nhà báo rất gắn bó với Trường Sa _DK1, nhiều lần ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ và trở thành người nhà của bộ đội Trường Sa, từ rất lâu.

Thân thiết và gắn bó, trong thật sự những chuyến công tác gian khổ, nên bộ đội đã tặng nhiều vật lưu niệm cho Minh Thùy. Một trong những kỷ vật đó là cây hoa làm bằng những con ốc ngoài đảo, do chính tay người lính Hải quân tỉ mẩn tạo lên.



Hôm nay (17/1/2013), Nhà báo Minh Thùy đã tặng lại kỷ vật thiêng liêng này cho Chương trình Áo ấm biên cương, để bán đấu giá, dùng số tiền mua áo - ủng cho học sinh vùng núi cao biên giới xã Xín Mần (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang), trong chuyến hành trình thứ 5 (2012-2013) tới đây của Chương trình Áo ấm biên cương.


Trước khi chuyển kỷ vật cho Áo ấm biên cương, Nhà báo Minh Thùy (nick FB Xương Rồng Nguyễn) đã viết những dòng thân thương về nguồn gốc cây hoa ốc:

***
HOA TRƯỜNG SA



Anh là người đã có mặt tại Trường Sa ngay sau khi sự kiện 14/3/1988 xảy ra. Anh là người ra đó để chữa lành vết thương cho những người lính Hải quân vừa quên thân mình bảo vệ đảo. 


Khi lính đảo phải ở trên những boong tông, quanh năm thiếu nước ngọt, rau xanh, thường xuyên phải đối diện với tình trạng táo bón, họ đã phải “giải quyết vấn đề” bằng cách… tìm thức ăn từ biển gây nên… bệnh tiêu chảy.


Có lẽ, nếu không trải qua những ngày tháng gian khổ ấy trên biển thì sẽ không thể nào kể được câu chuyện đương đầu với sóng gió, với nguy nan một cách hồn nhiên đến vậy.



Và anh đã có 20 năm ở trên gần hết Quần đảo làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho lính biển.



Đó là khi lính biển gặp tàu ra thì vui như tết, đó là mỗi lần nhận đến… một thùng thư vì 6 tháng mới có một chuyến tàu ra, đó là khi đọc thư nhà thì… cha già đã xanh cỏ




Với họ, chuyện không thể chịu tang người thân hay không được nhìn mặt con thơ khi chào đời là chuyện quá bình thường.



Có anh, khi về nhà còn bị con… đuổi, không cho nằm chung giường với mẹ nó…



Anh trải qua tất cả những cảm giác đó. Và anh kể cho tôi nghe khi tôi được lên đảo Đá Tây C vào mùa Xuân năm ấy.

Có rất nhiều phụ nữ đã ra Trường Sa từ những năm 1990, nhưng tất cả đều đi vào mùa “bà già đi biển” tức là khoảng tháng tư, tháng 5 dương lịch, là mùa mặt biển phẳng như gương, còn đi vào mùa tết để gói bánh chưng trên đảo, thì nghe mấy chú Hải quân bảo rằng tôi là người đầu tiên, và trong chuyến tàu ấy chỉ có mình tôi là phụ nữ.


Có lẽ vì thế mà khi tôi xuất hiện ở trên đảo của anh đến 30 phút rồi mọi người mới biết tôi là… phụ nữ. Do tôi ăn mặc như con trai, đội mũ tai bèo và… không cởi áo phao.


Đến khi biết tôi là phụ nữ thì hầu như tất cả mọi người đều rất vui. Có anh còn... tặng luôn cho tôi cái áo lính thủy mới tinh vừa được phát.


Và anh đã tặng cho tôi cành hoa ốc này. Loài hoa mà chỉ lính đảo Trường Sa mới có. 


Nó được “mọc” lên từ lòng biển, tươi tốt trên bàn tay các anh.


Ngày ngày, sau những giờ làm việc, các anh lại xuống biển mò ốc, phơi vỏ, nhúng sơn để làm hoa.


Đài hoa là những mảnh bao bảo quản được tận dụng và với đôi tay khéo léo họ đã cắt ra, dán với ốc tạ thành hoa.


Nếu ai đã một lần đi Trường Sa chắc không lạ gì với khái niệm “bao bảo quản”.


Nó là thứ giúp bạn bỏ hết tư trang vật dụng cá nhân vào đó rồi buộc lại để di chuyển trên biển.


Loại bao này có một điểm đặc biệt là nó sẽ giữ cho đồ dùng của bạn không bị nhiễm mặn, tuyệt đối an toàn.


Tôi còn nhớ, khi tôi đi từ trong đảo ra tàu gặp mưa giông, các anh lính Hải quân đã nhanh tay… khoét một miếng trên cái túi bảo quản ấy cho tôi chui vào và thế là thành cái áo mưa, tôi đã được bảo vệ cho đến khi ra tới tàu mà cả người và máy móc không hề hấn gì.


Anh tặng cho tôi cành hoa với tất cả sự trân trọng và quí mến đất liền.


Tôi đã giữ cành hoa ấy suốt từ đó đến giờ, dù chuyển nhà vài lần, chuyển phòng cũng vài lần nhưng nó vẫn là thứ được tôi để trang trọng trên tủ làm việc của mình.


Hôm nay, tôi quyết định gửi nó góp vào Chương trình Áo ấm Biên cương cho trẻ em ở Hà Giang bởi tôi nghĩ điều đó cần thiết hơn.


Tôi bị mất điện thoại, nên mất số của anh, nhưng tôi tin là anh đồng ý.


Nhờ một đồng nghiệp chụp lại cành hoa này trước khi gửi nó ra Bắc, tham gia vào Chương trình đấu giá gây quĩ mua áo ấm cho trẻ em vùng cao.


Tôi xin giữ lại hình ảnh của cành hoa như lưu giữ tình cảm, tấm lòng của người lính biển.


Và tin rằng anh sẽ vui vì cành hoa ấy không chỉ có tác dụng làm vật trang trí, nó còn là áo ấm giúp trẻ em nghèo vượt qua cơn giá rét của mùa đông.




Áo ấm Biên cương
Được tạo bởi Blogger.