Quảng cáo Việt Nam còn thua xa Thái Lan
Phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, nhưng theo chuyên gia, công nghiệp quảng cáo của Việt Nam chưa "chất" bằng Thái Lan
Nhân lực chất lượng, kinh tế phát triển, công nghệ thuận lợi đang giúp ngành công nghiệp quảng cáo Việt Nam ngày một phát triển. Tuy nhiên, đứng cạnh một "đại gia" về quảng cáo như Thái Lan, theo chuyên gia Alan Cerutti, Việt Nam còn có vài điểm cần cố gắng và học hỏi.
Ông Alan hiện là CEO của Happiness Saigon, một đơn vị đã kết hợp cùng UNICEF đển triển khai chiến dịch Chiến dịch #NoFilter. Chiến dịch này giành đến 10 giải thưởng quốc tế trong ngành truyền thông quảng cáo, là ý tưởng từng giành được nhiều giải nhất của Việt Nam.
Tính sáng tạo
Ông Alan Cerutti thẳng thắn cho rằng, nếu xếp hạng mức độ từ 1 đến 6 về tính sáng tạo thì ở bình diện chung, cách chuyển tải thông điệp trong quảng cáo ở Việt Nam chỉ mới ở mức 2, mức được đánh giá là “invisible”, tức vô hình hoặc không đọng lại ấn tượng gì đáng kể trong tâm trí người xem.
“Nếu bạn xem TV, Youtube hay Facebook hiện giờ, bạn sẽ thấy rất nhiều quảng cáo mà bạn hầu như không nhớ gì về chúng vì hiếm có quảng cáo chất lượng tốt”, ông Alan đánh giá.
Theo thang đo của Happiness Saigon, mức độ 1 tương đương với quảng cáo mang đến hiệu ứng ngược, tức tác động xấu đến thương hiệu. Mức độ 6 tương đương với khả năng mang lại giá trị vô hạn đến cộng đồng, vượt hơn rất nhiều thông điệp của một sản phẩm/dịch vụ. Thời gian gần đây, dù thị trường quảng cáo Việt Nam đã có nhiều quảng cáo được người xem chú ý và bình luận hơn nhưng vẫn là thiểu số, chưa thay đổi đáng kể bộ mặt chung về chất lượng của ngành.
"Unsung hero" được đánh giá là một trong những quảng cáo Thái Lan được yêu thích nhất trên thế giới.
|
“Tại Đông Nam Á, khả năng sáng tạo của ngành quảng cáo Thái Lan hơn Việt Nam là một sự thật. Tuy nhiên, cần thấy rằng, thị trường quảng cáo khu vực đang có nhiều cơ hội. Trong đó, tiềm năng của Việt Nam là rất lớn. Nhân lực tại đây đang có trình độ tốt, sức sáng tạo và nắm bắt công nghệ. Vấn đề là cần thêm thời gian nữa để họ khai mở thêm sức sáng tạo tiềm tàng”, chuyên gia này nói thêm.
Sa đà vào người nổi tiếng
Thuê người nổi tiếng để làm đại sứ thương hiệu, quay TVC, chụp poster sản phẩm là cách làm của các nhãn hàng trên khắp thế giới. Nhưng tại Việt Nam, cách thức này đang bị lạm dụng và thiếu sáng tạo.
Ông Alan cho rằng, sử dụng người nổi tiếng chỉ là yếu tố nền tảng. Nếu chỉ tập trung vào người nổi tiếng hay KOL (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng) thì doanh nghiệp khó truyền được cảm hứng đến cho khách hàng. Thực tế, trong những khung hình hay đoạn video, người xem sẽ nhớ đến người nổi tiếng nhiều hơn là sản phẩm của nhà quảng cáo.
Giải pháp hiệu quả nhất là kết hợp giữa người nổi tiếng và một ý tưởng quảng cáo sáng tạo. Đầu tiên là bạn phải có ý tưởng. Thứ hai bạn mới cần đến KOL để đưa ý tưởng của mình tác động đến cộng đồng rộng và nhanh hơn”, vị chuyên gia nhận xét.
Nhãn hàng bảo thủ còn nhiều
Hầu hết các đại lý quảng cáo (agency) đều thừa nhận rằng, việc thuyết phục các khách hàng triển khai một ý tưởng quảng cáo mới mẻ và táo bạo tại Việt Nam còn tương đối khó khăn. Điều đó là do quan điểm tiếp thị quảng cáo còn mang tính truyền thống của một số lãnh đạo doanh nghiệp.
Số khác xem những ý tưởng mới cũng gắn liền với rủi ro cho thương hiệu nên ngại thay đổi. Chính bản thông ông Alan cũng thừa nhận, tìm được tiếng nói chung với khách hàng trong việc triển khai một ý tưởng quảng cáo mới tại Việt Nam là không dễ dàng.
Hài hước nhiều, ý nghĩa thiếu
Tổ chức các chiến dịch quảng cáo mang yếu tố hài hước, vui nhộn đang được tận dụng tối đa tại Việt Nam, nhất là với các chiến dịch được nhãn hàng triển khai trên mạng xã hội. Các video, sự kiện trên môi trường này đang tập trung nhiều vào việc sử dụng KOL và các nội dung hài hước, đôi khi sa vào nhảm nhí.
Quảng cáo một sản phẩm camera của Thái Lan từng khiến nhiều người xem cảm động vì kết thúc bất ngờ.
|
So với Thái Lan, số lượng các nội dung mang ý nghĩa sâu sắc vẫn còn kém. Tuy nhiên, theo dự đoán của ông Alan, chỉ ít năm nữa thì chất lượng các chiến dịch truyền thông quảng cáo trên mạng xã hội tại Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan.
Nhìn chung, ông Alan Cerutti cho rằng, triển vọng chất lượng của thị trường quảng cáo Việt Nam sẽ sớm đuổi kịp Thái Lan, vốn đang là một trung tâm quảng cáo của Đông Nam Á.
Hàng loạt công nghệ mới như công nghệ di động, thực tế ảo hay thậm chí là trí tuệ nhân tạo (AI) đều đang có khả năng áp dụng tại Việt Nam để tạo ra những sản phẩm quảng cáo mới, không chỉ khác về nội dung mà còn khác về cách tiếp cận.
Viễn Thông
(Vnexpress)